Đề nghị xây dựng nghị quyết cải cách tiền lương
13-12-2024 15:12Sáng 28/10, phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, ông Trương Trọng Nghĩa (đoàn đại biểu TP HCM) nói, nghị quyết cải cách tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức cần xây dựng ngay. Nguyên tắc là lương, thu nhập phải đủ để người lao động tái sản xuất, mở rộng sức lao động và chăm lo một phần cho gia đình. "Trước mắt, cần tăng lương cơ sở từ 1/1/2023", ông Nghĩa nói.
Đại biểu Nghĩa cho rằng nếu không đẩy nhanh tăng lương cơ sở, việc vượt thu ngân sách 202.000 tỷ đồng, hay tăng GDP bình quân đầu người từ 3.900 lên 4.075 USD, cùng các thành tích kinh tế - xã hội khác của năm 2022 sẽ không có nhiều ý nghĩa với người dân.
Chính phủ cần ưu tiên quan tâm đến hai ngành y tế, giáo dục và những người hưởng lương hưu, trợ cấp thu nhập thấp. Những người thu nhập cao hơn thì có thể tăng chậm và ít hơn để chia sẻ khó khăn chung. Về lâu dài, cần ban hành luật về lương tối thiểu.
Riêng với ngành y, bên cạnh tháo gỡ vướng mắc trong đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, cần tăng thu nhập, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ y tế công. "Nếu hệ thống y tế không được củng cố ngay cả về người và cơ sở vật chất, sẽ không đáp ứng được nhiệm vụ đối với hàng chục triệu nhân dân, càng không thể chống chịu được khi dịch bệnh bùng phát hay phát sinh mới", ông Nghĩa lo ngại.
Lương cơ sở là mức lương dùng làm căn cứ tính lương của cán bộ, công chức, viên chức... trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác. Trước đây, việc điều chỉnh tăng lương được thực hiện hàng năm, nhưng 3 năm qua không thể thực hiện do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Lần điều chỉnh tăng lương cơ sở áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức gần nhất là từ 1/7/2019, tăng từ 1,39 triệu đồng lên 1,49 triệu đồng. Theo đó, công chức trình độ đại học mới đi làm (hưởng lương bậc 1 với hệ số 2,34) sẽ nhận lương 3.486.600 đồng.
Nguồn: Viết Tuân - Sơn Hà